image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Một số biện pháp phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi tái phát
Bệnh Dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Bệnh xảy ra ở tất cả các giống heo và ở mọi lứa tuổi của heo với khả năng lây lan rất nhanh.

Theo thống kê cho thấy, heo bị nhiễm bệnh có tỷ lệ chết lên tới 100%, do bệnh Dịch tả heo Châu Phi hiện tại chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh, virus tồn tại lâu trong sản phẩm bị nhiễm bệnh và bên ngoài môi trường, có sức đề kháng cao, đường lây truyền rất đa dạng, phức tạp và khó kiểm soát, đặc biệt với quy mô chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ khó thực hiện đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An tình hình dịch bệnh Dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) gia tăng nhiều vào các tháng cuối năm 2023 đầu năm 2024 và đang có xu hướng lan rộng. Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường và khả năng xâm nhập, lây lan cao trên địa bàn huyện. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Trụ khuyến cáo người chăn nuôi cần tăng cường việc thực hiện đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học; cụ thể như sau:

- Một là: Vệ sinh chuồng trại, giữ cho chuồng heo luôn được khô ráo, tránh mưa tạt, gió lùa; đặt khay vôi ở lối ra, vào; tăng cường phun thuốc sát trùng chuồng trại định kỳ 2 lần/tuần; kể cả khu vực xung quanh chuồng trại, khu vực để thức ăn chăn nuôi và các vật dụng dành cho chăn nuôi để tiêu diệt và hạn chế mầm bệnh xuất hiện, tồn tại trong môi trường; cách phun thuốc sát trùng là phun từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, trong lúc phun cần di chuyển chậm, bảo đảm phun thật đều, đặc biệt phun kỹ ở các góc, khe, hốc trong chuồng.

- Hai là: Thường xuyên theo dõi, giám sát sức khỏe đàn heo, tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm cho đàn heo như Dịch tả heo cổ điển, Tai xanh, Lở mồm long móng,... Sử dụng quần, áo, ủng riêng khi vào khu vực chăn nuôi; hạn chế cho người lạ vào khu vực chăn nuôi của gia đình; nếu phải cho vào thì phải sử dụng quần, áo, ủng bảo hộ trước khi vào; sau khi khách ra về phải phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi.

- Ba là: Sử dụng chế phẩm vi sinh bổ sung vào thức ăn để tăng khả năng tiêu hóa và sức đề kháng cho đàn heo, nếu thấy đàn heo có bất kỳ dấu hiệu như: ăn ít, bỏ ăn, đỏ mình, sốt cao, lừ đừ, heo nằm chồng lên nhau… cần thực hiện cách ly ngay, đồng thời vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, nếu heo chết đột ngột thì báo ngay cho chính quyền địa phương để được hướng dẫn xử lý.

- Bốn là: Chỉ sử dụng thịt heo hoặc sản phẩm từ thịt heo có nguồn gốc rõ ràng; khu vực chế biến thịt heo phải tách biệt với khu vực chăn nuôi.

- Năm là: người chăn nuôi cần áp dụng nghiêm "5 không": Không dấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; Không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường; Không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt làm nguồn thức ăn cho chăn nuôi.

Lưu ý: bà con cần chủ động nguồn nước độc lập để sử dụng cho chăn nuôi, xử lý nguồn nước bằng Chlorine trước khi sử dụng cho heo uống, rửa chuồng nuôi. Tuyệt đối không lấy nước từ sông ngòi, kênh mương để sử dụng trực tiếp trong chăn nuôi./.


Nguyễn Thị Mỹ Hồng (TTDVNN)
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thư viện ảnh