image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Thời tiết vào những tháng cuối năm có sự thay đổi bất thường làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của đàn vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển như: bệnh Cúm gia cầm, bệnh Lở mồm long móng trên gia súc (heo, trâu bò, dê), bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò; bệnh Dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) và bệnh Tai xanh (PRRS) trên heo.

Theo đó, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm bùng phát, tránh lây lan trên diện rộng trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Trụ khuyến cáo bà con chăn nuôi cần thực hiện ngay một số nội dung sau:

- Không được chủ quan, phải thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học, mua bán gia súc, gia cầm có nguồn gốc rõ ràng; tăng cường vệ sinh tiêu độc khử trùng, phát hoang cây cỏ, bụi rậm xung quanh chuồng trại và khu vực chăn nuôi; dọn dẹp vệ sinh cống rãnh, chất thải, đảm bảo chuồng trại khô ráo, thoáng mát ban ngày và ấm về ban đêm.

- Nghiêm túc thực hiện "5 Không"; Cụ thể là: Không nuôi thả rông gia súc, gia cầm; Không mua, bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh; Không ăn thịt gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; Không giấu dịch; Không vứt xác gia súc, gia cầm bừa bãi.

Bên cạnh đó bà con chăn nuôi cần phải thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn phòng dịch của cơ quan thú y đặc biệt là áp dụng thường xuyên và đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học cụ thể như sau:  

Thứ nhất, người chăn nuôi cần tuân thủ đầy đủ các yêu cầu chủng và tái chủng các loại vắc-xin bắt buộc (cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, Tai xanh trên heo, viêm da nổi cục trên trâu bò...) theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Thứ hai, nếu phát hiện trường hợp vật nuôi có biểu hiện bệnh chết đột ngột với tỷ lệ cao, hoặc nghi ngờ do bệnh bắt buộc phải tiêu hủy (cúm gia cầm, LMLM gia súc, Tai xanh, VDNC và DTHCP) thì phải thông báo ngay cho cơ quan thú y địa phương gần nhất để lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời thực hiện các yêu cầu xử lý của cơ quan thú y.

Thứ ba, cần thực hiện công tác vệ sinh sát trùng nơi chăn nuôi định kỳ 7 ngày thì phun thuốc sát trùng một lần, hạn chế việc ra vào của người và phương tiện đến khu vực chăn nuôi; khu vực chăn nuôi phải có lưới rào bao xung quanh và có hố hoặc khay sát trùng chứa vôi hoặc chất sát trùng ở lối ra vào. Bà con cũng cần nhớ vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ra vào trại và mặc quần áo bảo hộ lao động khi chăm sóc đàn vật nuôi. 

Bà con cần hết sức cảnh giác và thực hiện triệt để các biện pháp cơ bản nêu trên để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh phát sinh và lây lan tại khu vực chăn nuôi gây ảnh hưởng đến kinh tế và sức khỏe cộng đồng./.


Nguyễn Thị Mỹ Hồng (TTDVNN)
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thư viện ảnh